Phát triển ngành tôm bền vững: Khởi nguồn từ con giống

Ngày đăng: 10/04/2020 07:53 AM

    Mắt xích quan trọng

    Theo Cục Thủy sản, cả nước có 2.104 cơ sở sản xuất tôm giống, sản lượng đạt hơn 160 tỷ con/năm. Riêng các tỉnh trọng điểm như: Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận có 687 cơ sở, sản lượng đạt 72,3 tỷ con/năm, chiếm 45,2% sản lượng của cả nước. Hiện, cả nước có 747.000 ha nuôi tôm sú và TTCT, nhu cầu tôm giống để nuôi thương phẩm khoảng 150 tỷ con/năm; số lượng tôm bố mẹ cần để sản xuất tôm giống hơn 260.000 con.

    Ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thủy sản cho biết: “Tôm giống đóng vai trò quan trọng trong chuỗi sản xuất, quyết định phần lớn sự thành công và hiệu quả nuôi trồng, tuy nhiên hiện nay, nguồn tôm bố mẹ cung cấp cho sản xuất tôm giống chủ yếu là nhập khẩu, khai thác trong môi trường tự nhiên. Số lượng chọn tạo giống từ các cơ sở trong nước sản xuất chưa nhiều, mới cung cấp được một phần, dẫn đến sản xuất tôm giống bố mẹ bị lệ thuộc. Trong năm 2022, cả nước nhập khẩu giống bố mẹ hơn 171.000 con TTCT và 328 con tôm sú từ Mỹ và Thái Lan để sản xuất”.

    Những bất cập trong sản xuất tôm giống được ông Lê Văn Quê, Tổng Giám đốc Công ty CP Bio Tonic, Chủ tịch Hiệp hội Giống thủy sản tỉnh Ninh Thuận chỉ ra: “Nhiều cơ sở sản xuất có quy mô nhỏ, thiếu tiềm lực để đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước cấp, nước thải, hệ thống rà soát chất lượng, kiểm soát an toàn sinh học… theo quy trình, làm sao có khả năng đầu tư sản xuất tôm bố mẹ, cho nên lâu nay phải chấp nhận nhập khẩu tôm giống để sản xuất”.

    Chia sẻ tại Tọa đàm với chủ đề “Vì một ngành tôm phát triển bền vững” do VASEP và Hiệp hội Tôm giống Bình Thuận phối hợp tổ chức ngày 24/5, tại TP Hồ Chí Minh; ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký VASEP nhấn mạnh: “Nghề nuôi tôm đang là vấn đề quan trọng của cả ngành tôm và trong nuôi tôm thì con giống là một trong những yếu tố đầu vào rất quan trọng, quyết định rất lớn đến tỷ lệ thành công của mỗi vụ nuôi. Đây cũng là lý do vì sao VASEP và Hiệp hội Tôm giống Bình Thuận quyết định lấy mắt xích này làm bước đi đầu tiên cho việc hình thành một liên minh mới của ngành tôm trong thời gian tới”.

    Theo ông Hòe, qua khảo sát của VASEP từ các nguồn thông tin cho thấy, trong số hơn 2.000 trại giống trên cả nước, chỉ có hơn một nửa là đủ tiêu chuẩn, được cấp giấy chứng nhận. “Đây chính là một trong những nguyên nhân làm cho tỷ lệ nuôi tôm thành công của Việt Nam rất thấp so với các nước cạnh tranh trực tiếp. Không những thế, nó còn ảnh hưởng đến chất lượng hàng xuất khẩu và truy suất nguồn gốc sản phẩm theo quy định của các nước nhập khẩu” – ông Hòe nhận định.

    Vấn đề con giống cũng được ông Võ Văn Phục, Tổng Giám đốc Công ty CP Thủy sản sạch Việt Nam khẳng định là rất quan trọng đối với nghề nuôi. Tuy nhiên, hiện có quá nhiều nhà cung cấp tôm giống nhỏ lẻ, gây khó khăn cho việc kiểm soát chất lượng. Thực tế cho thấy, những năm tôm nuôi thiệt hại lớn hầu như yếu tố dịch bệnh từ con giống đều chiếm tỷ lệ khá cao. Ông Phục đề xuất: “Trong bối cảnh nuôi tôm ngày một khó khăn, các công ty sản xuất giống cần có sự chia sẻ với người nuôi về đảm bảo tỷ lệ sống cao, giá thành cạnh tranh và đặc biệt là cần công khai, minh bạch thông tin để người nuôi có thêm nhiều chọn lựa”.

    Giải pháp căn cơ cho chất lượng giống

    Đóng góp cho mục tiêu hợp tác giữa hai mắt xích tôm giống và chế biến, ông Hồ Quốc Lực đề xuất tập trung cung cấp thông tin theo nhu cầu của người nuôi về chất lượng con giống của từng trại giống và cùng với đó là diễn biến giá tôm thế giới; nhằm giúp người nuôi nhỏ lẻ tránh việc mua phải con giống không được đánh giá chất lượng tốt, góp phần hạn chế rủi ro, nâng tỷ lệ nuôi thành công. Vấn đề thứ hai là tìm nguồn vốn cho người nuôi nhỏ lẻ thông qua việc hướng họ tham gia vào chuỗi mới đã và đang hình thành, vì người nuôi nhỏ lẻ hiện hầu như rất khó tiếp cận nguồn vốn vay trực tiếp từ ngân hàng. Vấn đề cuối cùng là Chính phủ, Bộ, ngành, địa phương cần quan tâm nhiều hơn trong việc đầu tư cải thiện cơ sở hạ tầng vùng nuôi.

    Ông Võ Quan Huy, Chủ tịch Hiệp hội Tôm Mỹ Thanh, đề xuất, cần xây dựng tiêu chuẩn và tiến tới gắn sao cho các trại giống để công khai, minh bạch thông tin và cũng để cho người nuôi hay cả vùng nuôi có đánh giá một cách công bằng cho các trại sản xuất.

    Cũng theo ông Hồ Quốc Lực, các trang trại (từ 10 ha trở lên) hiện chỉ mới đóng góp khoảng 10% tổng sản lượng tôm nuôi hàng năm, còn lại 90% là từ các hộ nuôi nhỏ lẻ. Đây cũng là lực lượng chịu nhiều rủi ro nhất, có tỷ lệ nuôi thành công thấp nhất (khoảng 40%) nên rất cần được hỗ trợ nhiều nhất cả về vốn, hạ tầng, thông tin thị trường, thời vụ, mô hình và đặc biệt là nguồn gốc, chất lượng yếu tố đầu vào, trong đó có con giống. Ông Lực cho biết: “Sự hợp tác giữa hai mắt xích con giống và chế biến trong bước đi đầu tiên này là hết sức cần thiết và cấp bách. Bước tiếp theo nên có sự tham gia của các mắt xích khác trong chuỗi giá trị con tôm, như: thức ăn, chế phẩm sinh học, thương lái và không thể không có vai trò hỗ trợ kịp thời của Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan”.

    Nhằm đáp ứng số lượng tôm giống phục vụ cho nuôi tôm năm 2023 và nâng cao chất lượng nguồn giống, một trong những giải pháp được Cục Thủy sản đưa ra là đối với các hiệp hội sản xuất tôm giống, cần hướng dẫn hội viên tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật về sản xuất giống tôm nước lợ. Phối hợp với các cơ quan chức năng tham gia xây dựng định hướng chiến lược thúc đẩy hoạt động sản xuất. Hỗ trợ phân tích, dự báo, cung cấp thông tin thị trường cho các tổ chức, cá nhân trong chuỗi sản xuất tôm giống. Đồng thời, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người tham gia sản xuất, kinh doanh trong chuỗi giá trị; xây dựng mối quan hệ gắn kết giữa các bên liên quan trong chuỗi. Vận động, tuyên truyền các hội viên áp dụng công nghệ mới để giảm giá thành sản xuất, nâng cao chất lượng con giống. Đẩy mạnh liên kết sản xuất, nhân rộng các mô hình, chuỗi sản xuất hiệu quả; nắm vững kế hoạch sản xuất để phát triển thị trường tiêu thụ.

    An Xuyên

    Chia sẻ:
    Bài viết khác:
    0
    Zalo
    Hotline